18:10 19/03/2024
“Xanh hóa” môi trường CNTT

Là nhà cung cấp giải pháp quản lý năng lượng, ông định nghĩa thế nào là hệ thống CNTT xanh?
Khi nhắc đến CNTT xanh, chúng ta phải nói đến môi trường trung tâm dữ liệu (Data Center). Hiện nay, có tới hơn 50% chi phí vận hành các trung tâm dữ liệu là chi phí năng lượng, cụ thể là điện. Tiêu thụ điện chính trong trung tâm dữ liệu ngoài các thiết bị như máy chủ, hệ thống lưu trữ, còn rất nhiều các thiết bị phụ trợ thuộc phần hạ tầng như chiếu sáng, làm mát, cấp nguồn… vốn tiêu hao nhiều năng lượng.
Đơn vị cung cấp giải pháp quản lý năng lượng phải làm sao để giảm thiểu mức tiêu thụ điện của các thiết bị phụ trợ để nâng cao hiệu suất sử dụng điện. Thách thức là ở chỗ phần tiêu thụ điện của các thiết bị phụ trợ đôi khi còn nhiều hơn của thiết bị CNTT. Rõ ràng đây là một bài toán khó.
Bài toán giảm tiêu thụ điện của nhóm thiết bị hạ tầng có thể ảnh hưởng đến tính liên tục của hệ thống CNTT. Các nhà quản trị CNTT sẽ không đồng ý cắt giảm lượng tiêu thụ cho thiết bị phụ trợ nếu điều đó ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ hệ thống.
Một hệ thống CNTT xanh, một mặt phải đảm bảo tính sẵn sàng của trung tâm dữ liệu nhưng đồng thời đưa ra giải pháp tiết kiệm năng lượng. Và đây cũng là xu hướng tất yếu vì tiết kiệm chi phí cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, vì lẽ đó mà trong 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp (DN) nhắc đến nhiều về hệ thống CNTT xanh. Trong khi trước kia, họ chủ yếu nhắc đến công suất hoạt động, khả năng lưu trữ dữ liệu…

Ông đánh giá về tình trạng sử dụng năng lượng cho hệ thống CNTT ở Việt Nam? Giải pháp quản lý năng lượng phù hợp cho doanh nghiệp?
Người Việt Nam thường tính toán lâu dài khi xác định quy mô đầu tư ban đầu cho hệ thống CNTT. Ví dụ: một hệ thống có khả năng tiếp nhận 100 khách hàng nhưng trên thực tế chỉ sử dụng 60 đến 80. Theo thuật ngữ chuyên môn là Over Sizing, tức xây dựng hệ thống CNTT vượt quá mức sử dụng thực tế, dẫn đến lãng phí tài nguyên và lãng phí điện.
DN có thể đầu tư dần dần theo mức độ tăng tải của hệ thống CNTT - cứ tăng nhu cầu đến đâu thì đầu tư đến đấy. Các DN có thể thiết kế một hệ thống CNTT có khả năng nâng cấp - thay đổi linh hoạt theo kiểu module (lắp đặt từng khối).
Về mặt hạ tầng, giải pháp làm mát hoặc cấp điện dự phòng (UPS) theo kiểu module này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. Các DN vừa và nhỏ cũng có thể thiết lập hệ thống module giống như các trung tâm dữ liệu lớn.
 

Tin liên quan