13:41 19/03/2024
Sử dụng năng lượng tòa nhà: Tăng tính khả thi và hiệu quả
Tốc độ xây dựng của Việt Nam thời gian qua tăng khá nhanh, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, với hàng loạt tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị được xây dựng mới ngày càng nhiều.
 
Việc chưa tận dụng hết tiềm năng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bắt đầu ngay từ khâu kiến trúc đã và đang gây ra sự lãng phí rất nhiều nguồn năng lượng.
 
 
                                                     Tốc độ xây dựng của Việt Nam tăng khá nhanh trong thời gian qua
 
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mức tiêu thụ điện năng của Việt Nam đã tăng vọt đến 400% trong khoảng từ năm 1998 đến 2008, góp phần đáng kể vào tốc độ phát thải đi-ô-xit các-bon gây hiệu ứng nhà kính ước tính trung bình 12% mỗi năm - mức tăng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Do vậy, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công trình xây dựng không chỉ giúp tiết kiệm nguồn năng lượng đang ngày một khan hiếm và đắt đỏ, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 8-10% trong giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam.
 
Bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình Tư vấn cải thiện môi trường đầu tư của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết: "Ngành xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất ở Việt Nam, chiếm tới 36% tổng năng lượng điện tiêu thụ của cả nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ giúp chủ công trình giảm được chi phí vận hành, đồng thời góp phần vào tiến trình tăng trưởng kinh tế thải ít các-bon."
 
Do vậy, Bộ Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD về "Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả" vừa được Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 15 /2013/TT-BXD ngày 26/9/2013 được các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đánh giá là một bước hoàn thiện chính sách về quản lý năng lượng trong các công trình xây dựng hiện nay.
 
Ông Nguyễn Công Thịnh, chuyên gia Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, những điều chỉnh quan trọng của bộ quy chuẩn mới là: tập trung đưa ra những quy định kỹ thuật bắt buộc tuân thủ cho các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên.
 
Để đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng, Bộ Quy chuẩn mới quy định kỹ thuật cụ thể cho các hạng mục gồm lớp vỏ công trình; trang thiết bị trong công trình như hệ thống chiếu sáng nội thất, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, thang cuốn và thang máy, sử dụng điện năng, và hệ thống đun nước nóng.
 
Với các công trình xây mới, công trình sửa chữa, cải tạo có gồm phần xây mới thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 09:2013/BXD, thì hồ sơ thiết kế phải bao gồm thuyết minh về sự tuân thủ các quy định của Bộ Quy chuẩn này. Việc thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình xây dựng được tiến hành theo quy định hiện hành, trong đó có nội dung về sự tuân thủ các quy định của QCVN 09:2013/BXD.
 
"Bộ Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến các các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả," ông Thịnh nhấn mạnh.
 
Bộ Quy chuẩn mới đơn giản, dễ sử dụng và người dùng ít phải tính toán, tra cứu hơn. Nếu như năm 2005 chỉ dừng ở việc ban hành Quy chuẩn, thì lần này, để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thực hiện Quy chuẩn mới, với sự hỗ trợ của IFC, Bộ Xây dựng sẽ triển khai thêm các bước: xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện quy chuẩn; tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo tăng cường năng lực cho các đối tượng có liên quan để thực hiện quy chuẩn; xây dựng công trình thí điểm áp dụng quy chuẩn mới để kiểm tra thực tế hiệu quả của Bộ Quy chuẩn.
 
"Thực tế tại các quốc gia IFC đã hỗ trợ cho thấy, các công trình xây dựng mới áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tương tự có thể tiết kiệm được khoảng 20% năng lượng tiêu thụ", bà Werner nói và cho biết, tại Việt Nam, việc ban hành Bộ Quy chuẩn mới cùng với một loạt hoạt động hỗ trợ tiếp theo được thực hiện từ nay đến năm 2017 nhằm mục tiêu tiết kiệm khoảng 15% mức năng lượng tiêu thụ trên mỗi mét vuông sàn của các công trình xây mới.
 
"Mặc dù còn nhiều thách thức trong việc thực hiện Bộ Quy chuẩn mới, nhưng với việc các bên đặt vấn đề xem xét, rà soát, điều chỉnh lại Bộ Quy chuẩn đi vào thực tế hơn, áp dụng hiệu quả cho các công trình xây dựng là một tín hiệu tốt cho tiến trình quản lý năng lượng hiệu quả trong các công trình xây dựng hiện nay", ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) nêu quan điểm.
 
(NDHMoney)
Tin liên quan